Dốt tiếng Nhật du HS buộc về nước sớm
- 22/03/2017
- Posted by: Admin
- Category: Du học Văn hoá Nhật Bản
Dốt tiếng Nhật du HS buộc về nước sớm
Việc không chuẩn bị kỹ càng cho bản thân tiềm lực tài chính và kiến thức vốn ngôn ngữ tốt đã vô tình đẩy các bạn vào cái vòng luẩn quẩn nợ nần, phải đi làm thêm kiếm tiền trả nợ, và nó đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc học tập tại trường không học được, buộc phải về nước của du học sinh tại Nhật và các nước trên thế giới nói chung.
Tháng 3/2017, một mùa tốt nghiệp của học sinh trường tiếng nữa lại đến. Người ta nhìn thấy hàng loạt học sinh mặc vest đồng phục đến buổi lễ tốt nghiệp. Rồi từ những buổi lễ này, phần đông các em sẽ học lên cao đẳng, đại học, chuẩn bị những bước tiếp theo để bước ra đời tìm việc.
Quay về tay trắng sau 2 năm đi du học
Thế nhưng nếu so sánh giữa số lượng học sinh được tuyển vào các trường tiếng Nhật và số lượng học sinh tốt nghiệp tại chính những trường đó thì người ta thấy một sự chênh lệch không hề nhỏ.
Nhiều học sinh trường tiếng Nhật đã không thể tốt nghiệp được, và bị buộc phải về nước hoặc được phép học đến khi các bạn tốt nghiệp nhưng không đạt trình độ của trường yêu cầu nên cũng không được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Tất cả những bạn thuộc diện này tất nhiên không thể vào đại học, cao đẳng và phải về nước.
Ví dụ: “Một trường tiếng tại Tokyo có xếp hạng khá cao trên nisshinkyo, có khoảng 40 học sinh đã phải nghỉ học hoặc không được nhận chứng chỉ sau khi tốt nghiệp vì lý do học sinh bỏ học nhiều và học lực quá kém nên không đủ điều kiện nhận bằng. Rất nhiều trường tiếng Nhật khác ở Nhật Bản cũng có chính sách tương tự áp dụng tương tự.”
Đi khỏi Việt Nam 2 năm khi đã quá tuổi để thi vào đại học, cao đẳng trong nước, các bạn ra đi mang theo niềm hy vọng của gia đình về một tấm bằng đại học tử tế nơi xứ người như vậy đã tiêu tan. Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Vì đâu nên nỗi như vậy?
Bạn Minh Hòa, một học sinh đến từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sang Nhật học trường tiếng tại Tokyo khi bạn 23 tuổi. Không phải vay nợ quá nhiều và với tâm lý mới sang nên bạn Hòa đi học khá đầy đủ trong khoảng 2 kỳ đầu. Tỷ lệ lên lớp thường đạt trên 90%. Tuy nhiên đến kỳ thứ 3, khi xung quanh Hòa đều là những bạn học sinh làm 2,3 việc kiếm mỗi tháng đến 20,25 man, Hòa bắt đầu nghĩ khác. Hòa bắt đầu đi làm nhiều hơn, nhận nhiều ca đêm bởi lương cao. Sau mỗi đêm làm việc, Hòa kiếm được hơn 2 triệu, số tiền bằng cả nửa tháng lương trước đây bạn đi làm nhân viên công ty ở Việt Nam. Hòa càng ham kiếm tiền hơn nữa.
Kiếm nhiều cũng đồng nghĩa với tiêu nhiều hơn, Hòa tiêu thêm nhiều tiền vào tận hưởng cuộc sống ở Tokyo. Hòa tiêu tiền vào các cuộc nhậu, đi bar, đi chơi với bạn gái. Một khi đã quen hưởng thụ cuộc sống như vậy, Hòa không thể kiếm ít tiền hơn được. Như vậy, việc kiếm tiền mỗi lúc một sành sỏi nhưng cuộc sống học hành mỗi lúc một xa rời Hòa.
Kỳ thứ 3 Hòa phải học lại lần thứ nhất, nhưng vì ham kiếm quá nhiều tiền nên Hòa cảm thấy không dừng lại được. Cuối cùng, Hòa lại học lại thêm nhiều kỳ khác nữa vì khi không đạt đủ điểm lên lớp, nhà trường không cho Hòa học sang tiếp phần kiến thức mới.
Kết thúc 1 năm 9 tháng học tiếng Nhật ngay trên chính đất Nhật, nhiều bạn cùng trường với Hòa có xuất phát điểm về trình độ tiếng kém hơn Hòa đã có N3,N2 thì Hòa vẫn chỉ dậm chân ở N4. Và tất nhiên Hòa không được cấp chứng nhận tốt nghiệp trường tiếng và buộc phải về nước. Về nước khi bằng cấp không hơn gì so với trước khi đi học, tiếng lại kém, Hòa đối diện với tương lai việc làm mù mịt.
Trường hợp của Hòa không phải hiếm tại các trường tiếng hiện nay. Anh Minh Tuấn, một quản lý du học sinh tại trường tiếng ở Tokyo, cho biết có rất nhiều trường hợp học 1 năm 9 tháng trường tiếng nhưng đến lúc ra trường cũng chỉ được hơn N4 giống như Hòa.
Nhóm đó tập trung chủ yếu vào những em trước khi đi phải vay nợ quá nhiều dẫn đến sang đây phải đi làm nhiều trả nợ. Việc không chuẩn bị cho mình tiềm lực tài chính và ngôn ngữ tốt đã vô tình đẩy các em vào cái vòng luẩn quẩn: Vay nợ, đi làm kiếm tiền trả nợ, không học được, buộc phải về nước sớm. Sau gần 2 năm vất vả nơi xứ người, các em quay trở về đúng vạch xuất phát về trình độ và tiền bạc còn kiến thức không thu lượm được gì.
Áp lực kiếm tiền, nhiều du học sinh Việt ở Nhật làm thêm quá giờ quy định
Không có tiếng Nhật mất đi nhiều cơ hội việc làm và cuộc sống đáng giá. Không chỉ với người đi học, nhiều người Việt Nam đi làm tại Nhật cũng gặp vấn đề với ngôn ngữ nhưng bản thân họ không muốn thu xếp thời gian học thêm tiếng Nhật.
Sai lầm khi không học tiếng Nhật từ sớm
Anh Hoàng Thanh năm nay 33 tuổi chia sẽ, anh sang Nhật do một công ty công nghệ Việt Nam cử đi. Hợp đồng làm việc kéo dài 3 năm.
Trong công việc, anh Thanh giao tiếp với khách hàng chủ yếu bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Nhật thông qua phiên dịch. Công việc của anh khá ổn, thế nhưng cuộc sống của anh Thanh gặp rất nhiều khó khăn bởi anh không có tiếng Nhật trong khi nhiều lúc anh cần hỏi mua đồ trong siêu thị, đi bệnh viện mà không biết làm cách nào. Vậy nên nhiều khi anh chỉ mong không ốm đau và không cần gì ngoài nhu cầu của cuộc sống thường ngày nếu không sẽ chẳng thể giao tiếp được.
Công việc của anh cũng không quá bận rộn, thứ Bảy Chủ Nhật anh được nghỉ nhưng anh cũng không hào hứng với việc học tiếng Nhật, bởi theo anh hết hợp đồng anh sẽ về Việt Nam nên cũng chẳng cần thiết phải học. Cuộc sống cứ như vậy trôi qua.
Anh Thanh chỉ cảm thấy thực sự tiếc nuối bởi khi hợp đồng với công ty phía Việt Nam gần hết, anh muốn ở lại Nhật và cũng thử qua một công ty môi giới việc làm để kiếm việc. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công nghệ, không khó để kiếm được cho anh công việc tại một công ty công nghệ khá lớn tại Nhật, nhưng họ yêu cầu khi đã giao tiếp được bằng tiếng Anh, cũng phải cần tiếng Nhật ít nhất N4. Dù ở Nhật 3 năm nhưng anh cũng không có nổi một bằng tiếng Nhật nào.
Cuối cùng, anh Thanh đành phải ngậm ngùi về nước trong tiếc nuối. Anh rất tiếc khi về Việt Nam con anh không được theo học tại những ngôi trường tốt với chi phí thấp như ở Nhật nữa. Chưa kể anh bị vuột khỏi tay cơ hội việc làm tốt để nâng cao kỹ năng, tay nghề. Tất cả cũng bởi vì không có tiếng Nhật.
Bị bắt nạt bị lừa tiền vì không biết tiếng
Sống ở bất kỳ nước nào trên thế giới cũng cần đến sự thông hiểu ngôn ngữ để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Với kinh nghiệm từng đi qua khoảng 20 nước phát triển và đang phát triển lớn của thế giới, người viết có thể khẳng định rằng ở Nhật có ít sự lừa đảo hơn trong cuộc sống cũng như khi mua sắm hàng ngày.
Thế nhưng cuộc sống ở Nhật khi càng ở lâu cũng sẽ thấy nhiều mảng tối. Tiếng Nhật là ngôn ngữ khó, người Nhật thừa hiểu điều đó. Thế nên vẫn có rất nhiều trường hợp từ việc rất nhỏ như bạn đi ăn nhà hàng hay lớn hơn là bạn đi thuê nhà, bạn sẽ cần phải đọc kỹ hợp đồng hay cần phải hiểu cặn kẽ mọi chuyện trước khi đặt bút ký bởi họ sẽ sẵn sàng bịa ra nhiều khoản phí trên trời dưới đất để thu thêm tiền của bạn. Họ làm thế bởi họ thừa hiểu người nước ngoài thường kém tiếng Nhật và ngại va chạm, thắc mắc.
Khi đi thuê nhà, nhiều người nước ngoài thường bị hấp dẫn bởi các gói dịch vụ giá rẻ của các công ty nhỏ. Tuy nhiên hãy luôn cẩn thận bởi nhiều khi đó là “bàn tay sắt bọc nhung”. Họ cho bạn vào nhà với tiền đầu vào rẻ, tiền lễ thấp, tiền thuê nhà giá rẻ thế nhưng sau khi đã ở được vài tháng, bạn mới chợt nhận ra, số tiền họ trừ trong tài khoản lớn hơn nhiều so với con số ghi trong hợp đồng.
Bạn đi thắc mắc nhưng không phải dễ mà luôn kiếm được người giỏi tiếng đi cùng, bạn đến nói nhưng người ta không hiểu bởi tiếng Nhật của bạn quá kém. Cuối cùng, người thiệt là bạn.
Bài viết trên đã phần nào nói lên được việc học tiếng nhật rất quan trọng cho những bạn có dự định đi du học, xuất khẩu lao động hay xin việc làm tại các công ty Nhật Bản đã cho thấy thiếu kỹ năng ngôn ngữ sẽ có thể khiến bạn gặp nhiều bất lợi và mất đi nhiều cơ hội phát triển bản thân trên đất Nhật. Tất cả những ví dụ trên là những nhân chứng sống trước mắt mà chúng ta cần rút kinh nghiệm biết cân bằng giữa việc học và làm thêm sao cho phù hợp nhất mà không làm ảnh hưởng đến việc học tại trường của bạn củng như bạn có thể kiếm cho mình một khoản tiền để trang trải thêm trong cuộc sống.
Nguồn: NuocNhat
Thông tin liên quan: