Phương pháp học Kanji và các sai lầm cần tránh
- 06/11/2018
- Posted by: Admin
- Category: Kiến thức
Nếu bạn là người đã từng học tiếng Nhật hoặc ít nhất là quan tâm đến thì chắc hẳn đều biết Kanji là nỗi “ám ảnh” của bất kì ai muốn làm bạn với tiếng Nhật. Và trong bài viết hôm nay, Nhật Ngữ Hướng Minh xin chia sẻ đến bạn 11 phương pháp học kanji tiếng Nhật hiệu quả và dễ nhớ nhất nhé!
1. Phương pháp Kanji hiệu quả
Kanji là một trong bốn hệ chữ của Tiếng Nhật với một số lượng từ mới khổng lồ có gốc mượn từ chữ Hán hoặc do người Nhật sáng tạo ra, nó chiếm khoảng 70% lượng từ vựng của Tiếng Nhật. Khi mới du nhập vào Nhật, Kanji được phát âm gần giống nhất với tiếng Trung (âm ON), nhưng theo thời gian thì một số Kanji khi ghép âm với các từ lại được đọc theo âm khác (âm KUN).
1.1. Học và liên tưởng
Vì chữ Kanji là chữ tượng hình nên cách học chữ Hán trong tiếng Nhật cũng có nhiều phần thú vị. Chữ tượng hình là chữ người xưa nhìn sự vật, sự việc rồi viết lại, mô tả chúng theo cách nghĩ và trí tưởng tượng của mình. Bởi vậy, một trong những mẹo học chữ kanji là hãy tưởng tượng và so sánh chữ Kanji theo sự vật, hiện tượng ngoài cuộc sống. Bằng cách này chữ Kanji sẽ in sâu hơn vào trí não của bạn chứ không phải chỉ là học vẹt như thông thường bạn vẫn làm.
1.2. Học các bộ thủ cơ bản
Mỗi chữ Kanji bất kỳ đều cấu thành từ 1 hoặc nhiều bộ thủ. Có tổng cộng 214 bộ thủ nhưng thật ra các bạn chỉ học 1 số bộ thủ cơ bản và quan trọng nhất. Không nhất thiết phải học hết 214 bộ thủ.
Ví dụ:
Chữ Tưởng 想 gồm chữ 相tương + 心tâm = 木mộc + 目mục +心tâm
Chữ Vọng 望 gồm chữ 亡vong, 月nguyệt, 王vương
Chữ Xuân 春 gồm chữ 三 tam +人nhân +日nhật
1.3. Chiết tự Kanji
Có lẽ, khi học chữ Hán (hay chữ Kanji trong tiếng Nhật) , mấy người không nhắc cho nhau câu:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
(Chiết Tự chữ Đức 德)
Đó là một trong những mẹo nhớ chữ Hán của người xưa thường được gọi là chiết tự.
Trên phương diện nào đó, Chiết Tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.
Việc vận dụng các liên tưởng hình ảnh vào hình thể, âm đọc hay ý nghĩa của chữ Hán đã làm cho Chiết Tự nói chung và chiết tự trong câu đố chữ Hán nói riêng có tính sáng tạo cao. Nhờ đó mà các bộ phận cấu thành chữ Hán trở nên sống động, có hồn.
Trong số 70 câu đố chữ Hán trong kho tàng câu đố Việt Nam mà Hướng Minh đã sưu tập được, có đặc điểm chiết tự khá thú vị. Chẳng hạn:
Dưới đây là một số ví dụ:
– Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.
(chữ An 安)
– Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê.
(chữ Hy 犠)
– Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập.
(chữ Chương 章)
– Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.
(chữ Hiếu 孝)
– Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên.
(chữ Tắc 則)
– Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu.
(chữ Tỉnh 井)
– Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo.
(chữ Tùy 随)
– Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
Chó sủa canh chầy, trống lại điểm tư.
(chữ Nhiên 然)
– Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi.
(chữ Mĩ 美)
– Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu
(chữ Phu 夫)
– Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm.
(chữ Dũng 勇)
– Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề.
(chữ Hảo 好)
– Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
(chữ Tư 思)
– Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào.
(chữ Giáo 教)
– Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em.
(chữ Uy 威)
– Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật.
(chữ Giả 者)
– Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày.
(chữ Tự 字)
– Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê.
(chữ Pháp 法)
Như vậy, từ những ưu điểm đã phân tích ở trên của Chiết Tự, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: chiết tự là một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt. Đồng thời qua những câu đố chiết tự này có thể tạo sự hứng thú cho việc học, nhớ chữ Hán.
1.4. Học âm Hán Việt
Phương pháp này khá là phù hợp với người Việt. Một công đôi việc, cũng là một lần bạn học lại tiếng Việt. Rất hay và cũng dễ nhớ.
国家 Kokka Quốc gia
運命 Unmei Vận mệnh
草木 Soumoku Thảo mộc
創造 Souzou Sáng tạo
1.5. Học bằng các ứng dụng
Nếu đã từng tìm hiểu về các phương pháp học Kanji hiệu quả, có lẽ bạn cũng đã biết đến phương pháp dùng flashcard. Hiện thẻ học Kanji có bán ngoài hiệu sách, cửa hàng rất nhiều, mức giá chỉ khoảng mấy chục ngàn đồng. Ngoài ra nếu không thích dùng thẻ off line bạn có thể dùng thẻ online.
Hiện nay các app học tiếng Nhật cũng xuất hiện rất nhiều. Các app này được thiết kế với cấu trúc và bố cục bài học rất dễ dàng cho người học.
1.6. Đọc sách báo, tin tức bằng tiếng Nhật
Mỗi ngày dành ít nhất là 10 – 15 phút đọc báo, truyện… bằng tiếng Nhật. Ban đầu có thể bạn mất cả 10 phút để đọc hết được 2 câu. Không sao, đừng nản. Từ nào chưa biết cách đọc, hãy dừng lại, dùng từ điển tra xem nó là gì, đọc ra sao. Sau đó ghi chú lại và tiếp tục đọc. Như vậy bạn cũng đã được học thêm một từ mới rồi.
1.7. Tra từ điển đúng cách
[su_label type=”info”]1.7.1.Tra từ điển giấy
Đây là cách mất thời gian, nhưng sẽ giúp bạn hiểu căn bản về cách viết và cách tra chữ kanji. Bạn phải tìm được bộ và đếm được số nét.
Ví dụ:
Bộ ở bên phải, như chữ 燃 nhiên, 清 thanh.
Bộ ở bên trên, như chữ 芳 phương, 学 học.
Bạn nên học quy tắc viết chữ kanji, từ đó sẽ dễ dàng đếm số nét của nó. Việc này bạn có thể học bằng kinh nghiệm khi nhìn bảng chữ kanji và số nét tương ứng của nó.
1.7.2. Tra kim từ điển
Kim từ điển sẽ giúp bạn tra chữ kanji nhanh hơn rất nhiều từ điển giấy. Với kim từ điển bạn có thể tra theo bộ bằng cách nhập số nét của bộ chính của chữ (ví dụ chữ然 có bộ là bộ hỏa 4 nét), nhập số nét của chữ (chữ nhiên là 12 nét), hoặc nhập cách đọc các bộ phận tạo nên chữ đó, ví dụ chữ nhiên bạn có thể nhập ひ (bộ hỏa=lửa), いぬ(khuyển = chó.)
Và quan trọng hơn bạn có thể kết hợp các cách trên, sẽ tra nhanh và chính xác. Cần lưu ý là, nếu bạn nhập ít thông tin thì các chữ “tiềm năng” sẽ hiện ra càng nhiều và bạn sẽ mất thêm công lựa chọn.
Vì tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới nên việc tự học không hề dễ nếu bạn không có quyết tâm. Phải cố gắng giữ được động lực. Vì việc học Kanji là vô cùng khó khăn nên sẽ có vô số lý do khiến bạn “bỏ cuộc chơi”. Hãy giữ ngọn lửa của mình bằng nhiều cách. Có thể liên hệ Kanji đến những sở thích của bạn như anime, manga chẳng hạn. Hoặc bạn cũng có thể đăng công khai tiến trình, mục tiêu học Kanji, cá cược với ai đó để tự tạo áp lực thúc ép mình học không ngừng. Nhật Ngữ Hướng Minh chúc bạn thành công trên chặng đường chinh phục tiếng Nhật!
1.8. Dùng flashcards/thẻ từ
Cách này có lẽ quá phổ biến, nếu bạn chưa biết thì quả là thiếu sót. Hiện thẻ học Kanji có bán ngoài hiệu sách, cửa hàng rất nhiều, mức giá chỉ khoảng mấy chục ngàn đồng.
1.9. Học kanji 6 từ 1 ngày
Bạn nên có kế hoạch cụ thể cho việc học của mình. Mỗi ngày cố gắng học đọc, viết ý nghĩa của 6 từ kanji. Bên cạnh đó phải liên tưởng, và tự đặt cho mình những ví dụ liên quan đến từ kanji đã học nhé.
1.10. Đọc sách, báo, tin tức bằng tiếng Nhật
Mỗi ngày dành ít nhất là 10 – 15 phút đọc báo, truyện… bằng tiếng Nhật. Ban đầu có thể bạn mất cả 10 phút để đọc hết được 2 câu. Không sao, đừng nản. Từ nào chưa biết cách đọc, hãy dừng lại, dùng từ điển tra xem nó là gì, đọc ra sao. Sau đó ghi chú lại và tiếp tục đọc. Như vậy bạn cũng đã được học thêm một từ mới rồi.
1.11. Phân biệt âm On và âm Kun
Có rất nhiều cách hiểu và phân biệt khác nhau, nhưng để đơn giản hóa đi thì các bạn có thể hiểu như sau:
– Âm On được sử dụng khi 2 từ kanji ghép với nhau. Tuy nhiên thì không hẳn 100% là như vậy. Vẫn có những trường hợp ngoại lệ, tuy nhiên hãy tạm gác lại các trường hợp đó. Hãy nhớ kỹ, âm On sử dụng khi 2 từ kanji ghép với nhau.
– Âm Kun được sử dụng khi ngay sau chữ kanji là một loạt chữ hiragana / tất nhiên là không phải là một chữ kanji đứng cạnh rồi.
Ví dụ : 告 : Có âm On là “こく” / Âm Kun là “つ”
告別:Trường hợp này 2 từ kanji đứng gần nhau, sẽ dùng âm On để ghép vào đọc . Và đọc là こくべつ
告げる:Trường hợp này sau nó là từ hiragana nên sẽ dùng âm Kun để ghép vào đọc. Và đọc là つげる
Đối với các bạn mới học thì cũng không cần quá phân tâm hoặc nặng nhọc quá việc phân biệt 2 âm này. Hãy cứ áp dụng quy tắc phía trên. Đơn giản hóa, bạn sẽ học nhanh hơn. Sau dần bạn sẽ hiểu và biết lý do vì sao.
Trên đây là cách học Kanji tiếng Nhật được các Senpai đi trước truyền lại các bạn bắt đầu học tiếng Nhật hoặc đang học tiếng Nhật mà chưa tìm ra được cho mình phương pháp học kanji tốt có thể tham khảo nhé.
Tham khảo thêm các kinh nghiệm khác:
Kinh nghiệm đọc hiểu, nghe hiểu
2. Các sai lầm khi học Kanji
2.1. Lung lay tinh thần
Đối với hầu hết mọi người luyện kanji là điều vô cùng cực nhọc. Viết được chữ này là quên chữ kia, nhớ được cách viết rồi lại quên cách đọc. Từ đó dẫn đến từ bỏ , đi thi đánh bừa vậy ! Vì vậy chỉ còn một con đường ở đây , đó là : Đừng tự hỏi học bao giờ mới xong , mà phải quyết không dừng lại và nên đặt ra mục tiêu. Học sách N3 để thi N3 thì cố sao cho thuộc, đọc được hết các chữ trong quyển sách đó.
2.2. Bắt chước theo chữ và viết
Có khá nhiều bạn không học viết kanji theo bộ mà chỉ đơn giản vẽ chữ theo trong sách, hay là học viết theo tranh, tượng hình . Cách này vừa khiến chữ xấu vừa khó nhớ và chỉ có hiệu quả khi mới tập viết những chữ đơn giản . Chúng ta nên nhớ theo bộ, chữ này kết hợp bằng những bộ gì, khi viết có thể vừa viết vừa đọc tên bộ ra, cứ lẩm bẩm vậy lại dễ nhớ và viết trơn tay, học khoa học hơn.
2.3. Không học âm Hán Việt
Điều này rất quan trọng vì đương nhiên chúng ta phải học cả 2 loại âm hán và thuần nhật, hơn thế học âm hán còn có một tác dụng đó là chúng ta có thể đoán nghĩa của chữ đó qua tiếng hán ( tùy trường hợp, có trường hợp khó thì cũng đành chịu )
2.4. Chỉ viết mỗi Kanji
Khi luyện viết Kanji các bạn nên viết thành hẳn một từ để nhớ luôn nghĩa , chứ nếu bạn chỉ viết mỗi chữ Kanji đó xong viết liền tù tì các chữ Kanji khác xung quanh thì lúc xem lại bạn rất dễ quên nghĩa của nó.
2.5. Không có thói kiểm tra Kanji
Điều này rất hay xảy ra, ví dụ khi học ngữ pháp có các ví dụ, các bạn đọc và thấy có chữ kanji nhưng không biết nghĩa nhưng lười không tra, rồi đến lúc gặp lại thì chỉ nhớ mang máng đã gặp rồi, tệ nhất là điều này xảy ra trong phòng thi. Tiếc thôi rồi !! Vì vậy hãy tạo thói quen tra kanji ( bằng từ điển, hay ứng dụng điện thoại rất nhanh ) để tránh những trường hợp đáng tiếc trên.
Trên đây là một số sai lầm và cách học kanji mình muốn chia sẻ với các bạn. Mong các bạn sẽ áp dụng tốt với bản thân để làm tốt bài thi JLPT.
3. Chia sẻ về phương pháp học Kanji
Nếu đã từng học hoặc chỉ đơn giản là quan tâm đến Tiếng Nhật, chắc hẳn bạn cũng đã từng biết về bảng chữ cái Kanji nỗi e ngại của bất kì ai muốn làm bạn với Tiếng Nhật. Hôm nay mình sẽ chia sẽ cho các bạn bài viết “ MÌNH ĐÃ HỌC KANJI NHƯ THẾ NÀO ? ” như thế nào của một du học sinh Nhật Bản các bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tham khảo: 6 bước học Kanji cho người mới bắt đầu
“Thấy các bạn rất có hứng thú với những bài viết của mình, nhân trong lúc còn đang là ông trùm thời gian sau khi về nước, mình lại làm vài post chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về việc học tiếng Nhật. Nếu những kinh nghiệm mình đã đúc kết được có thể giúp ích được các bạn, thì cũng là một niềm vui lớn đối với mình rồi.
Trong khi tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn 20 ngày để bước vào thi tuyển thực tập sinh, từ lúc chưa có một khái niệm gì về tiếng Nhật, mình được học hết bảng chữ cái, 60 danh động tính từ các loại. Ngay từ đầu mình đã nghĩ là hết sức vô lý, làm sao có thể nhồi nhét được một lượng kiến thức khổng lồ ấy vào trong đầu trong chỉ với 20 ngày? Nhưng kết quả là mình đã làm được, và cả một tập thể tham gia lúc đó, đều đã làm được. Mình đã nghĩ, tại sao trong khi được đi học mười mấy năm liền cộng thêm 4 năm đại học, chưa bao giờ mình đạt được sự tập trung cao độ và cố gắng hết sức như vậy, quả thật mình đã lãng phí quá nhiều thời gian! Con người chỉ đạt được thành quả khi có sự cố gắng thực sự.
Học xong mớ kiến thức đó mình nghĩ, thật sự là mình yêu thích cái món tiếng Nhật này rồi, giáo viên tiếng Nhật của mình hồi đó có thể giao tiếp được với người Nhật, mình cảm thấy hết sức ngưỡng mộ, nhưng vẫn luôn nghe những nhận định rằng, tiếng Nhật khó lắm, khó vì nó có chữ Hán.
Chữ Hán ? Chữ Hán à, nó là cái quái gì? Sao người Nhật lại dùng chữ Hán làm gì nhỉ, chữ Hán của bọn Tàu mà? Một mớ câu hỏi loăng quăng trong óc mình. Có cụ google đó, mình hỏi ngay để xem nó là cái quái gì. Ồ thì ra đúng thật, trông nó khá là giống với mấy cái phụ đề phim chưởng Hồng Kông, hay mấy cái phim tàu chiếu trên TV, nhìn cũng hay hay, thế là mình bắt tay vào học ngay.
À, hóa ra những chữ Hán này nó có cái âm gọi là âm Hán Việt, mình cũng khá tinh ý nên thấy ngay ra một điểm, mỗi một chữ này đều có những ý nghĩa riêng, và có những chữ có thể ghép vào nhau tạo nên những từ Hán Việt mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta vẫn dùng, giống như từ “vấn đề”, “chuẩn bị”, “quốc gia”, “gia tộc”…mình đã mường tượng ra rằng nếu mình học những cái như thế này, có phải là mình sẽ biến nó từ những từ Hán Việt sau đó bằng cách nào đó thành tiếng Nhật để sử dụng không?
Càng học mình càng cảm thấy nó đúng. Những chữ đầu tiên rất dễ nhớ, bởi vì trong đầu mình chứa chưa có nhiều, dần dần mình lại nhớ ra hồi học cấp 2 cấp 3, học những bài thơ Đường, thơ của Hồ chủ tịch đều có những phiên âm chữ Hán như thế này :
Tĩnh dạ tứ
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Dịch nghĩa
Đầu tường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà.
_ Tra thử chữ Hán của mấy bài thơ đó thì nó hiện ra ngay :
靜夜思
床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。
Ế, kì diệu thật, nó hoàn toàn giống như những chữ Hán rời rạc mà mình đang học, chỉ ghép chúng nó với nhau là đã ra được bài thơ có ý nghĩa đầy đủ. Mà nó lại là tiếng Trung Quốc, thế mới lạ. Ồ vậy là chúng nó có những mối liên kết với nhau chặt chẽ, chữ không phải là tách rời nhau như mình đã nghĩ, giữa tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Trung. Vậy là càng học mình càng thấy thích chữ hán, thấy nó như mở ra một chân trời mới trong mắt mình.
Lên lớp cũng cứ cắm đầu vào học chữ Hán và viết chữ Hán, mấy cô giáo thấy thế bảo thằng này cầm đèn chạy trước ô tô, ở trình độ của em chưa cần phải học chữ Hán đâu. Nhưng kệ, mình thích gì mình làm nấy. Kết quả là sau khóa huấn luyện 20 ngày ấy, ngoài những thứ đã kể trên, mình bỏ túi khoảng 100 chữ Hán sơ cấp.
Sau khi trải qua kì sát hạch gắt gao, thi kiến thức tiếng Nhật, thi Toán, rồi còn thi thể lực. 2 cái đầu mình qua khá là nhẹ nhàng , vì tiếng Nhật mình đã coi như là thuộc hết sạch, toán thì dù học dốt nhưng mấy cái bài toán đơn giản thì vẫn biết cách để làm. Í ẹ nhất là phần thi thể lực, chống đẩy 30 cái, gập bụng 30 cái và chạy 3000m. 2 cái đầu thì coi như là cũng qua êm đẹp, chỉ có cái sau, thanh niên cả đời chả làm việc nặng bao giờ (dù nhà có cấy gần mẫu ruộng, nhưng làm ruộng thì làm thời vụ thôi ) chạy chưa được nửa đường đã đứt hơi bỏ cuộc. Những tưởng duyên với Nhật kết thúc ở đây, thì không ngờ vẫn được ở lại ( chắc do điểm 2 phần đầu cao ), và hành trình với tiếng Nhật lại được tiếp tục.
Mình có 4 tháng để học hết 25 bài minna no nihongo. Ban đầu được học những mẫu câu cơ bản trong tiếng Nhật, mình thấy rất vui, cuối cùng thì cũng có thể học nói được mấy câu cơ bản rồi. Hồi đó lớp cũng có mấy người học trước, nên dù mình có cố gắng thế nào thì điểm bài thi cũng không cao bằng mấy ông đấy được. Cái duy nhất để mình có thể hơn họ, là cố gắng học chữ Hán. Môi trường nào thì cũng có cạnh tranh…
Đợi mình viết tiếp đã nhé ^^.
Chắc chắn trong các bạn ai củng đã gặp từng gặp phải hay đã từng trãi qua cảm giác như Thế Anh phải không nhỉ. Đây là bài viết chia sẻ rất hay về cách học Kanji… tôi có thể còn bạn thì sao, vậy thì còn chờ gì nữa mà không lên kế hoạch học học tiếng Nhật kanji cho mình ngay từ bây giờ nào. Chúc các bạn chinh phục thành công ngôn ngữ tiếng Nhật này nhé.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm trang web về Kanji sau: http://www.jakka.jp/slist-2.htm
Đây là trang web học tiếng Nhật của học sinh tiểu học tại Nhật, bạn muốn vào trang này học thì ít nhất cũng cần có vốn từ tiếng Nhật cơ bản trước đã nhé. Hy vọng các bạn sẽ có thêm tư liệu để tham khảo để học tốt loại chữ này.
Đọc thêm: Tổng hợp các bộ thủ trong tiếng Nhật.