Cách nhớ hán tự trong tiếng Nhật, phương pháp chiết Hán tự
- 10/04/2019
- Posted by: Admin
- Category: Kiến thức
Đã có bao giờ bạn loay hoay học hoài mà vẫn không ghi nhớ nổi các chữ Kanji? Hôm nay, Hướng Minh sẽ giới thiệu bạn cách nhớ Hán tự trong tiếng Nhật bằng phương pháp chiết Hán tự.
Ví dụ cách nhớ Hán tự trong tiếng Nhật, phương pháp chiết Hán tự
Có lẽ, khi học chữ Hán (hay chữ Kanji trong tiếng Nhật) , mấy người không nhắc cho nhau câu:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
(Chiết Tự chữ Đức 德)
Đó là một trong những mẹo nhớ chữ Hán của người xưa thường được gọi là chiết tự.
Trên phương diện nào đó, Chiết Tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.
Việc vận dụng các liên tưởng hình ảnh vào hình thể, âm đọc hay ý nghĩa của chữ Hán đã làm cho Chiết Tự nói chung và chiết tự trong câu đố chữ Hán nói riêng có tính sáng tạo cao. Nhờ đó mà các bộ phận cấu thành chữ Hán trở nên sống động, có hồn.
Trong số 70 câu đố chữ Hán trong kho tàng câu đố Việt Nam mà Hướng Minh đã sưu tập được, có đặc điểm chiết tự khá thú vị. Chẳng hạn:
Dưới đây là một số ví dụ về cách nhớ Hán tự trong tiếng Nhật:
– Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.
(chữ An 安)
– Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê.
(chữ Hy 犠)
– Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập.
(chữ Chương 章)
– Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.
(chữ Hiếu 孝)
– Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên.
(chữ Tắc 則)
– Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu.
(chữ Tỉnh 井)
– Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo.
(chữ Tùy 随)
– Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
Chó sủa canh chầy, trống lại điểm tư.
(chữ Nhiên 然)
– Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi.
(chữ Mĩ 美)
– Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu
(chữ Phu 夫)
– Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm.
(chữ Dũng 勇)
– Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề.
(chữ Hảo 好)
– Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
(chữ Tư 思)
– Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào.
(chữ Giáo 教)
– Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em.
(chữ Uy 威)
– Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật.
(chữ Giả 者)
– Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày.
(chữ Tự 字)
– Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê.
(chữ Pháp 法)
Như vậy, từ những ưu điểm đã phân tích ở trên của Chiết Tự, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: chiết tự là một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt. Đồng thời qua những câu đố chiết tự này có thể tạo sự hứng thú cho việc học, nhớ chữ Hán. Bạn hãy chia sẻ cách nhớ Hán tự trong tiếng Nhật hiệu quả của mình cho Hướng Minh nhé!
Tham khảo thêm: Tổng hợp tất cả các kinh nghiệm học tiếng Nhật